Những thành phần nên có trong dưỡng ẩm
Luong Minh Nguyệt
Thứ Ba,
19/04/2022
1. SQUALENE
Squalene, là một hydrocacbon dài và không bão hòa cao, là chất bôi trơn tự nhiên và có hiệu quả thâm nhập cao. S qualane là hợp chất có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp cholesterol, hormone steroid và cả vitamin D trong cơ thể người. Hầu hết các tế bào động vật có vú tổng hợp cholesterol, một phân tử cần thiết cho tính lưu động và cấu trúc của màng. Squalene là một hydrocacbon không bão hòa dài mà các mô nhanh chóng chuyển đổi thành lanosterol và cuối cùng là cholesterol.
Cũng giống như collagen, cơ thể sẽ tự sản sinh Squalane và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Sau tuổi 25, lượng Squalane sẽ bị hao hụt khiến làn da sẽ trở nên nhạy cảm, khô ráp và kém mịn màng hơn. Ngoài xuất hiện ở các tế bào trong cơ thể, thành phần dưỡng da này còn được tìm thấy ở gan cá mập, dầu ô liu, cám gạo, mầm lúa mì…
Hình 1: Cấu trúc của Squalene
CÔNG DỤNG CỦA SQUALENE
DƯỠNG ẨM
Squalene nổi tiếng nhất là đặc tính dưỡng ẩm giữ cho luôn mềm mại và mịn màng. Tùy thuộc dạng dầu nhưng Squalene lại thẩm thấu rất nhanh, không gây nhờn rít hoặc bít tắc lỗ chân lông. Bạn có thể chọn loại kem dưỡng có gốc dầu Squalene hoặc dưỡng da bằng tinh dầu Squalene nguyên chất. Nếu bạn có làn da nhạy cảm và đang tìm kiếm thành phần phục hồi những tổn thương cho da thì Squalene sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Squalene tạo ra một lớp hàng rào bảo vệ da khỏi tác động bên ngoài, giúp giữ lại độ ẩm ở các biểu bì da.
CHỐNG ÔXY HÓA
Ngoài công dụng dưỡng ẩm, Squalene còn là một chất chống ôxy hóa khá mạnh. Theo thời gian, sự phát triển của các gốc tự do làm xuất hiện đồi mồi và nhiều dấu hiệu lão hóa trên da. Lúc này, Squalane chính là “vị cứu tinh” bảo vệ da khỏi những gốc tự do có hại. Việc sử dụng sản phẩm có chứa thành phần này đúng cách và đều đặn giúp làm mờ các đốm đen và cải thiện sắc tố da.
CHỐNG LÃO HÓA
Do đặc tính giữ nước nên Squalane cũng là thành phần chống lão hóa khá hữu hiệu.Hợp chất này giúp làn da ngậm nước và luôn căng bóng mềm mại. Ngoài ra, Squalene còn làm đầy các rãnh nhăn trên da, làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn, vết chân chim và sạm nám. Squalane có thể giúp tăng cường đề kháng trên da, mang đến làn da bóng khỏe căng tràn sức sống.
TRỊ MỤN
Squalene có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp kiểm soát những vấn đề về da như mụn, eczema, bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng… Hãy yên tâm vì Squalene rất lành tính, không gây kích ứng và phù hợp với mọi loại da. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm có chứa Squalene để trị mụn và làm giảm sự sưng đỏ trên da.
Dựa theo nghiên cứu, squalane có đặc tính chống viêm nên có thể làm giảm đỏ và sưng. Trước khi thoa squalane lên da mặt, hãy sử dụng sữa rửa mặt nhẹ nhàng để làm sạch lỗ chân lông của bạn. Ngoài ra, tẩy tế bào chết một hoặc hai lần một tuần để loại bỏ các tế bào da chết.
2. CERAMIDE
Hình 2: Cấu trúc hóa học của Ceramide
Ceramide là một trong những thành phần quan trọng quyết định đến vẻ đẹp của làn da. Được biết đến là 1 trong 3 loại lipid tham gia cấu tạo lớp màng trên bề mặt da, Ceramide chiếm 40-50% lipid ở lớp ngoài cùng của da – còn gọi là lớp sừng (Số % còn lại là cholesterol và các acid béo tự do). Ceramide không những là chất truyền tín hiệu tế bào mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo khả năng hoạt động của hàng rào bảo vệ da (lớp màng Hydrolipid) và duy trì độ ẩm cần thiết của da.
CÔNG DỤNG CỦA CERAMIDE
CHỐNG LÃO HÓA, NUÔI DƯỠNG LÀN DA TRẺ ĐẸP
Khi còn trẻ, làn da sản sinh ra rất nhiều ceramide tự nhiên, nhưng theo năm tháng, tuổi tác và các tác hại từ mặt trời có thể làm giảm hiệu quả của ceramide tự nhiên trên da, thậm chí làm cạn kiệt ceramide khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu. Lúc này, làn da bắt đầu trở nên khô ráp, xuất hiện nhiều nếp nhăn, các hiện tượng ửng đỏ, kích ứng, ửng đỏ bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Để giúp các bạn dễ hình dung hơn, thì hãy liên tưởng lớp sừng của làn da giống như một bức tường thành. Những viên gạch để xây nên bức tường ấy chính là các tế bào da, và lớp "vữa" giúp kết dính các viên gạch lại với nhau chính là các chất béo bao gồm Ceramides, Cholesterol & axit béo. Khi cấu trúc của lớp sừng này còn nguyên vẹn, nó sẽ giúp giữ lại độ ẩm bên trong da, đồng thời hoạt động như một "tấm khiên" bảo vệ làn da khỏi bất cứ tác nhân nào đến từ bên ngoài có thể gây kích ứng như ánh nắng mặt trời, vi khuẩn, hoá chất...
Thế nhưng, khi "lớp vữa" này bị mất đi, bức tường sẽ không còn vững chắc nữa, đồng nghĩa với việc cấu trúc da bị xáo trộn và lớp màng bảo vệ da (skin barrier) không thể thực hiện tốt chức năng vốn có của nó. Khi đó, da sẽ không còn khả năng giữ lại độ ẩm, dẫn đến hiện tượng mất nước qua da (transepidermal water loss/TEWL), khiến da bị khô và có khả năng phản ứng mạnh hơn với những nhân tố gây kích ứng. Các tác nhân gây hại cũng sẽ dễ dàng thâm nhập vào da hơn, gây tổn thương nghiêm trọng đến làn da, lâu dài dẫn đến da xuất hiện các dấu hiệu lão hoá sớm.
Bên cạnh chức năng bảo vệ da, Ceramide còn đóng vai trò quan trọng giúp da trẻ trung và khỏe mạnh, ngăn ngừa lão hóa hiệu quả. Cùng với retinol, niacinamide, và peptide, ceramide nổi bật với chức năng là “thành phần giao tiếp tế bào thông minh”.
Do vậy, có thể nói việc duy trì lượng Ceramides cần thiết cho làn da đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho lớp màng bảo vệ da khoẻ mạnh, giúp da luôn trong trạng thái đủ ẩm, căng mọng nước và mềm mại, có đủ khả năng chống chịu trước các nhân tố gây hại từ bên ngoài, từ đó ngăn ngừa da lão hoá.
DƯỠNG ẨM CHO LÀN DA CĂNG MƯỚT MỊN MÀNG
Ngoài việc chống lão hóa cho da, ceramide còn là “chìa khóa” giữ ẩm cho da vô cùng tuyệt vời. Khi thấm vào da, ceramide có tác dụng ngăn cản sự thoát nước, luôn duy trì độ ẩm ở mức lý tưởng cho da giúp làn da dẻo dai và khỏe mạnh.
THU NHỎ LỖ CHÂN LÔNG
Nếu bạn không bổ sung đủ độ ẩm, tự động da bạn sẽ phải tiết nhiều dầu hơn để cân bằng tỉ lệ dầu – nước. Điều này khiến lỗ chân lông dễ dàng nở to ra và nhìn rõ hơn. Ngay lúc này, ceramide đóng vai trò như một “chiến binh” giúp hạn chế lỗ chân lông tiết dầu. Khi làn da đủ ẩm, tuyến dầu sẽ hoạt động bình thường, đồng nghĩa với việc lỗ chân lông sẽ không bị nở to ra.
CERAMIDE HOẠT ĐỘNG TỐT VỚI CÁC THÀNH PHẦN NÀO
Bạn cần lưu ý một điều rằng: không phải kem dưỡng nào chứa Ceramides cũng là đủ và tốt. Bởi vì Ceramides được xếp vào phân loại thành phần "skin-replenishing" - thành phần bổ sung cho da. Vì vậy, Ceramides có hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với những thành phần ở cùng nhóm này, ví dụ như các axit béo, glycerin và cholesterol. Các phức hợp lipid này rất lý tưởng trong việc cải thiện tông da, kết cấu da và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của làn da nhạy cảm. Và tỷ lệ kết hợp lý tưởng nhất sẽ là: 3 Ceramides : 1 Cholesterol : 1 Fatty Acids. Khi ở đúng tỷ lệ, Ceramides sẽ tạo thành kết cấu tinh thể lamellar (crystalline lamellar structures) thấm vào da tốt hơn và giữ ẩm tốt hơn. Còn nếu không đúng tỷ lệ thì sao? Em ấy vẫn sẽ tốt cho da, nhưng chỉ ngang tầm với những thành phần dưỡng ẩm khác như Petroleum Jelly mà thôi. Mặt khác, kem dưỡng Ceramides cũng cần bổ sung thêm những thành phần chống oxy hoá - chống lão hoá mạnh mẽ khác, đơn cử như retinol, niacinamide, linoleic acid và peptide; nhằm ngăn chặn các dấu hiệu lão hoá da một cách rõ rệt và toàn diện thay vì hoạt động đơn lẻ.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN DA MẤT CERAMIDE
Mặc dù Ceramides có mặt tự nhiên trong da, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ mãi mãi ở đó mà không mất đi. Tương tự như Hyaluronic Acid, Ceramides được sản xuất tự nhiên bởi da, nhưng chúng sẽ dần cạn kiệt theo thời gian khi chúng ta già đi. Cụ thể hơn, kể từ sau 20 tuổi, cơ thể sẽ sản xuất được ít Ceramides hơn với mức giảm 1% trên mỗi năm.
Và kể cả cho bạn có cố gắng níu giữ thanh xuân đến cỡ nào đi chăng nữa, thì vẫn còn những nhân tố khác làm suy giảm lượng Ceramides. Điển hình như việc tiếp xúc thường xuyên với tia UV trong ánh nắng mặt trời sau nhiều năm cũng làm giảm hàm lượng Ceramides có trong da. Hoặc như việc chăm sóc da không đúng cách bao gồm: sử dụng nước quá nóng, lạm dụng các loại xà phòng hoặc hoá chất tẩy rửa mạnh gây mất cân bằng pH da, tẩy tế bào chết quá nhiều... Các yếu tố nói trên dẫn đến hàm lượng Ceramides tự nhiên trong da mất dần đi, thậm chí có thể cạn kiệt, và từ đó làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Kết quả chính là da khô hơn, sần sùi hơn, xuất hiện nếp nhăn, kích ứng, mẩn đỏ và các dấu hiệu mất nước rõ rệt.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác không chỉ ảnh hưởng đến hàm lượng Ceramides trong da mà cả sức khoẻ tổng thể của làn da, đó chính là chế độ ăn uống. Việc bạn ăn gì sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến hàng rào bảo vệ da. Nếu như bạn có một chế độ ăn giàu rau xanh, protein nạc, các loại chất béo tốt như trái bơ & dầu dừa... thì bạn sẽ có một làn da căng bóng và khoẻ đẹp là chuyện đương nhiên đúng không nào? Và ngược lại, một chế độ ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ khiến da kém sản sinh Ceramides. Hậu quả thì tương tự như trên đã nói.
Vì thế, việc bổ sung Ceramides cho da là rất cần thiết, đặc biệt là với những làn da đã xuất hiện các dấu hiệu lão hoá, hoặc da tổn thương lớp màng bảo vệ, giúp phục hồi lại hàng rào bảo vệ da khoẻ mạnh và tăng cường độ ẩm của da.
NHỮNG LOẠI DA NÀO CÓ THỂ SỬ DỤNG CERAMIDE
Bởi vì Ceramides là một phần của làn da, thế nên thành phần này lý tưởng cho mọi loại da khác nhau, từ da dầu đến da khô hay thậm chí là những làn da nhạy cảm, dễ nổi mụn... đều có thể sử dụng được. Đặc biệt, Ceramides cũng an toàn cho vùng da mỏng manh quanh mắt, miễn là sản phẩm không chứa hương liệu nhân tạo hay những thành phần có khả năng gây kích ứng da khác.