Hướng dẫn cách lựa chọn kem chống nắng tốt nhất 2023
Luong Minh Nguyệt
Thứ Năm,
15/06/2023
Hướng dẫn cách lựa chọn kem chống nắng tốt nhất 2023
Những chỉ số nào là quan trọng nhất khi lựa chọn một kem chống nắng? Cách sử dụng kem chống nắng đạt hiệu quả tối ưu? Bài viết này sẽ giúp bạn lựa chọn cho mình một kem chống nắng phù hợp để bảo vệ da tối ưu trước tác hại của ánh nắng mặt trời.
1. Vai trò của kem chống nắng với làn da
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm của da như sạm da, da nhăn nheo, nám và tàn nhang… xuất phát phần lớn từ việc da phải tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) trong ánh sáng mặt trời. Các tia này bao gồm UVA, UVB và UVC:
-
UVC: không đi qua được tầng ozon
-
UVB: tác động vào lớp ngoài của da, gây cháy nắng, sạm da
-
UVA: đi sâu vào lớp biểu bì của da, là tác nhân chính gây tình trạng da nhăn nheo, chảy xệ, thậm chí là ung thư da. UVA có khả năng đi xuyên qua quần áo, hay thậm chí là cửa kính.
Chính vì UVA có thể đi sâu được như vậy nên việc chúng ta mặc quần áo chống nắng hay đeo khẩu trang sẽ không giúp bảo vệ da trước UVA, nên sẽ cần một biện pháp mạnh mẽ hơn, và đó chính là kem chống nắng.
2. Cách chọn kem chống nắng
Khi lựa chọn kem chống nắng, bạn nên đọc sỹ thông tin trên nhãn của sản phẩm và chú ý tới hai chỉ số quan trọng:
-
Chỉ số SPF: khả năng chống lại UVB
-
Chỉ số PA: Khả năng chống lại UVA
Chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB càng cao. Cụ thể như sau:
-
Chỉ số SPF 2: bảo vệ da khỏi 50% tác hại của UVB
-
Chỉ số SPF 15: có khả năng bảo vệ da lên tới 94%
-
Chỉ số SPF 30: có khả năng bảo vệ da là 97%
-
Chỉ số SPF 50: có khả năng bảo vệ da là 98%
-
Chỉ số SPF 100: có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB cao nhất là 99%.
Như vậy bạn có thể thấy khả năng bảo vệ da của kem chống nắng SPF 30 và SPF 100 không chênh nhau nhiều. Trên thực tế, nếu bạn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF30 và bôi đủ lượng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF100 mà bôi không đủ. Hơn nữa, kem chống nắng có chỉ số càng cao càng dễ gây kích ứng da, thông thường chúng ta nên lựa chọn sản phẩm có chỉ số SPF30 đến SPF50 là hợp lý.
Với chỉ số PA thường được ký hiệu thêm các dấu cộng phía sau. Số dấu + càng nhiều thì khả năng chống tia UVA càng tốt.
-
PA+: Khả năng chống lại 50-74% UVA
-
PA++: Khả năng chống lại 75-86% UVA
-
PA+++: Khả năng chống lại 87-94% UVA
-
PA++++: Khả năng chống lại >95% UVA
Một điểm nữa cần lưu ý khi lựa chọn kem chống nắng đó là các màng lọc. Các màng lọc chống nắng bao gồm màng lọc vật lý và màng lọc hóa học:
-
Màng lọc vật lý (như Titanium Dioxide, ZinC Oxide…): những màng lọc này không hấp thu qua da nên rất phù hợp với những làn da nhạy cảm, hoặc mẹ bầu và cho con bú. Tuy nhiên nhược điểm của các màng lọc này là thường để lại cảm giác khá bí da.
-
Màng lọc hóa học (như Octocrylene, Octinoxate, Avobenzone…): Ưu điểm với những màng lọc này là rất bền vững, dễ thấm tuy nhiên lại có khả năng gây kích ứng với các bạn da nhạy cảm.
Vì vậy tùy vào mục đích sử dụng và tình trạng da của bạn, bạn có thể lựa chọn cho mình một loại kem chống nắng phù hợp.
3. Hướng dẫn sử dụng kem chống nắng
Những lưu ý khi sử dụng kem chống nắng để phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ da
-
Các nghiên cứu cho thấy lượng kem chống nắng tối ưu bạn cần dùng khoảng 1-2mg/cm2 da, như vậy với một khuôn mặt trung bình chúng ta sẽ cần khoảng 2g kem chống nắng. Bạn có thể ước lượng lượng kem này bằng 1 đồng xu, hoặc bằng chiều dài hai ngón tay.
-
Dù là kem chống nắng vật lý hay hóa học thì bạn vẫn nên bôi kem chống nắng trươc khi ra đường từ 15-20’ để kem có khả năng ổn định trên da.
-
Thông thường, dù là sản phẩm bạn đang dùng có ghi là có khả năng chống nắng lên tới 8h thì bạn vẫn nên thoa lại sau 2-3h nếu bạn hoạt động ngoài trời hoặc sau 3-4h nếu bạn làm việc trong nhà để đảm bảo hiệu quả.
-
Tia UV tồn tại ngay cả khi không có nắng, bởi vậy bạn cần bôi kem chống nắng thường xuyên, kể cả khi trời dâm mát hoặc những ngày mưa.
Bên cạnh việc sử dụng kem chống nắng, khi ra ngoài vào giờ nắng nóng cao điểm, các bạn nên kết hợp sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như:
-
Đội mũ rộng vành
-
Đeo khẩu trang
-
Mặc áo chống nắng
-
Đeo kính râm để bảo vệ mắt